Bài học từ thế hệ vàng: ĐT Anh cần làm những gì để không đi vào vết xe đổ?
"Thế hệ vàng" của ĐT Anh những năm 2000 có tất cả mọi thứ mà một đội tuyển cần để vô địch đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, Tam Sư đều không thể thành công ở cả World Cup lẫn Euro.
Đã có rất nhiều lý do được đưa ra cho những thất bại liên tiếp của thế hệ vàng này, bao gồm cái tôi quá lớn, vấn đề thù địch hay áp lực từ truyền thông.
Tuy nhiên, ĐT Anh dưới sự dẫn dắt của Gareth Southgate lại khác. Sau khi lần lượt về nhì tại World Cup 2018 và Euro 2020, họ đang được kỳ vọng sẽ tạo nên kỳ tích ở giải vô địch châu Âu năm nay.
Dù vậy, nhiều người vẫn lo sợ những ngôi sao như Harry Kane, Jude Bellingham hay Phil Foden có thể rơi vào những cái bẫy mà các bậc tiền bối đã mắc phải.
Và dưới đây là những điều mà ĐT Anh hiện tại có thể rút kinh nghiệm từ thế hệ vàng ngay trước thềm Euro 2024.
Gạt bỏ sự thù địch tại câu lạc bộ
Trên thực tế, lứa cầu thủ của ĐT Anh những năm 2000 vừa là đồng đội của nhau trên tuyển nhưng cũng là đối thủ tại Premier League, và chính điều này đã khiến Tam Sư mất đi sự gắn kết.
Các cầu thủ của Man United và Liverpool không thích phối hợp với nhau trên sân, hay những ngôi sao tại Chelsea và Arsenal không bao giờ muốn đối phương tỏa sáng khi tập trung lên tuyển.
Sự thù địch từ các CLB khiến ĐT Anh hết lần này đến lần khác phải nhận nhận "cái kết đắng". Tuy nhiên, đoàn quân của HLV Southgate có thể tránh được vấn đề này.
Trong khi hai ngôi sao sáng nhất là Harry Kane và Jude Bellingham đang thi đấu ở nước ngoài, không đội bóng nào thuộc nhóm Big Six thống trị đội hình hiện tại của Tam Sư.
Thực tế, Crystal Palace mới là đội có nhiều cầu thủ được triệu tập nhất, với 4 cầu thủ. Điều này sẽ giảm bớt sự thù địch từ các ngôi sao với nhau.
Hy sinh vì mục tiêu chung
Trở lại thời kỳ của thế hệ vàng, những cầu thủ như Frank Lampard, Steven Gerrard, David Beckham hay Michael Owen thường không thi đấu hết sức mình vì màu cờ sắc áo.
Họ đều là những ngôi sao lớn của bóng đá thế giới và đều có cái tôi riêng. Do đó, không cầu thủ nào sẵn sàng hạ mình xuống để đưa ĐT Anh đi lên.
Những HLV như Sven-Goran Eriksson, Steve McClaren hay Fabio Capello cũng không có được tiếng nói trong phòng thay đồ. Điều này khiến cho lối chơi của Tam Sư bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
ĐT Anh dưới thời HLV Southgate thì khác. Nhà cầm quân 53 tuổi nhận thức rõ điểm mạnh và vai trò của từng cầu thủ. Và bất kỳ ai có thái độ tập luyện không tốt, ông sẵn sàng loại bỏ ngay.
Bên cạnh đó, những nhân vật chủ chốt như Harry Kane, Jude Bellingham, Phil Foden hay Bukayo Saka đều được dạy về tầm quan trọng của tinh thần đồng đội từ khi còn nhỏ.
Thoát khỏi truyền thông Anh
Truyền thông Anh luôn là một áp lực vô hình đối với Tam Sư ở mỗi giải đấu lớn khi các cầu thủ bị thổi phồng tài năng quá mức.
Bên cạnh đó, các tờ báo lớn liên tục cho rằng ĐT Anh "nên" hoặc "phải" giành chiến thắng ở các giải đấu như World Cup hay Euro, bất kể phong độ của họ có như thế nào.
Thế hệ vàng của Tam Sư chắc chắn đã bị cuốn vào những kỳ vọng mà truyền thông Anh tạo ra, việc được đánh bóng tên tuổi khiến họ nghĩ rằng mình là cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh.
Có thể khẳng định ĐT Anh hiện tại đang sở hữu những cầu thủ chất lượng, nhưng cần nhận thức được rằng họ chưa tạo ra bất kỳ thành công nào cả.
Do đó, họ cần phải thoát khỏi sự thổi phồng từ truyền thông nước nhà và tập trung cho một mục tiêu duy nhất là đạt được thành công tại kỳ Euro 2024.
- Thả tim
- Giận dữ
- Cười khóc
- Ngạc nhiên
- Khóc
- Yêu