1. Trang chủ
  2. Bóng đá Việt Nam

Sự thực dụng của HLV Troussier trước Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam vùi dập  Indonesia

Jason Todd

Thầy trò HLV Troussier đã để lại không ít ấn tượng tốt đẹp trong mắt người hâm mộ nước nhà, khán giả và cả các chuyên gia hàng đầu với màn trình diễn ấn tượng trước gã khổng lồ Nhật Bản. 

Phong cách thi đấu của Việt Nam dưới thời HLV Troussier

Dưới sự chỉ đạo của vị chiến lược gia người Pháp, Việt Nam là một đội vừa thể hiện tính thực dụng, nhưng cũng không thiếu khả năng ra đòn kết liễu những “nước cờ” khó lường và đáng chờ đợi phía trước.

Quay về thời điểm đầu tháng Một, trước khi Asian Cup 2023 khởi tranh, HLV Troussier đã phải nhận lấy rất nhiều áp lực từ người hâm mộ nước nhà. Thậm chí, chính ông cũng từng cay đắng thừa nhận “80% người dân Việt Nam muốn tôi từ chức”.

Bên cạnh thành tích thi đấu và phong độ của toàn đội, dù phần lớn chỉ là ở những trận đấu mang tính thử nghiệm, tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam vẫn luôn phải đối mặt với những lời chỉ trích hướng về mình chỉ vì ông “dám thay đổi công thức chiến thắng” của người tiền nhiệm Park Hang-seo.

HLV Philippe Troussie - Việt Nam
HLV Philippe Troussie từng nhận không ít sự ngờ vực từ người hâm mộ Việt Nam.

Dưới thời HLV Park Hang-seo, phòng ngự phản công chính là kim chỉ nam của đội tuyển quốc gia. Trong khi đó, HLV Troussier lại theo đuổi triết lý hoàn toàn khác. 

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, vị thuyền trưởng 68 tuổi này luôn nhắc đến lối chơi kiểm soát. Ông cũng không quên nhấn mạnh các khía cạnh như kiểm soát bóng, chuyền bóng, tính chủ động và phát động tấn công từ sân nhà…

Vì vậy, HLV Troussier vô tình bị gắn cái mác giáo điều, hay thậm chí là độc đoán, bảo thủ. “Đội tuyển Việt Nam lấy đâu ra tư cách cầm bóng và tấn công trước đối thủ mạnh?” là câu hỏi thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn.

Tuy nhiên, cần phải biết rõ rằng sự khác biệt cơ bản giữa triết lý của HLV Troussier và ông Park là một bên cầm bóng nhiều, một bên thì lại chủ động nhường bóng cho đối thủ. 

Trên thực tế, sử dụng lối chơi kiểm soát bóng không đồng nghĩa là phải dâng cao và tấn công ồ ạt. Đôi khi phong cách này còn thực dụng hơn cả lối chơi phòng ngự cụ thể.

Đội tuyển Tây Ban Nha trong thời kỳ đỉnh cao với hai chức vô địch World Cup 2010 và Euro 2012 là minh chứng cụ thể nhất cho nhận định này. La Roja khi đó chính là đội tuyển thống trị cả thế giới khi ấy mà không cần phải áp đảo đối thủ bằng lối chơi tấn công.

Tây Ban Nha khi ấy là đội thích chủ động làm chậm nhịp độ trận đấu để ngăn đối phương có bóng tấn công và rình rập các cơ hội ghi bàn. 

Bằng chứng là Tây Ban Nha từng bước lên đỉnh thế giới tại World Cup 2010 với chỉ 8 bàn thắng ghi được sau 7 trận đấu, nhưng chỉ để lọt lưới đúng 1 bàn, đồng nghĩa đội tuyển này đã giữ sạch lưới đến 6 trận trong xuyên suốt chiến dịch.

Vì tính thực dụng quá mức và nhàm chán của nhà vô địch Euro 2008 khi ấy, lối chơi Tiki-Taka nổi tiếng lúc bấy giờ bị châm biếm thành Tiki-Tacanaccio (bắt nguồn từ lối chơi phòng ngự Catenaccio trứ danh của đội tuyển Ý).

Tây Ban Nha World Cup 2010
Tây Ban Nha lên ngôi vô địch 2010 nhờ vào lối đá kiểm soát thực dụng.

Tất nhiên, để so sánh đội tuyển Tây Ban Nha với đội tuyển Việt Nam sẽ là điều gì đó rất khập khiễng, hơn nữa Tiki-Taka cũng đã lụi tàn hơn chục năm nay nên không thể đánh giá chính xác đội tuyển nước nhà chỉ qua những ví dụ nhỏ nhoi này.

Ví dụ trên được đưa ra chỉ nhằm chứng minh rằng sử dụng lối chơi kiểm soát không có nghĩa là phải tấn công và áp đặt, kiểm soát vẫn có thể thực dụng, linh hoạt phòng thủ và tấn công với từng đối thủ.

Với 30 năm kinh nghiệm huấn luyện cùng năng lực đã được chứng minh, HLV Troussier không hề ngây thơ, giáo điều đến mức áp đặt đối thủ. Hơn nữa, chiến lược gia người Pháp cũng nhiều lần đề cập đến vấn đề phòng thủ nhưng những lời này lại dễ dàng bị bỏ qua vì những lý do khác nhau.

Chẳng hạn, phát biểu sau trận đấu với đội tuyển Iraq ở vòng loại World Cup 2026, HLV Troussier từng chia sẻ: “Tôi đặc biệt chú trọng tổ chức đội hình không có bóng và tập trung phòng ngự trước trong trận đấu hôm nay.

Toàn đội đã có chiến thuật hợp lý để đối phó với Iraq. Hãy nhớ rằng các cầu thủ của họ rất giỏi và có trình độ cao hơn VIệt Nam rất nhiều nên chúng tôi phải tập trung hơn.”

Ở trận đấu này, đội tuyển Việt Nam chủ động lùi sâu đội hình, phòng ngự kiên cường và chỉ phải chấp nhận thất bại ở phút cuối cùng. Hệ thống phòng thủ của “những chiến binh sao vàng” đã vô hiệu hóa khá hiệu quả sức tấn công vượt trội về chất và trình độ của đối thủ.

Nói cách khác, đội tuyển Iraq đã có lúc rơi vào thế bế tắc. Tuy nhiên, trước làn sóng chỉ trích ngày càng gia tăng, khía cạnh tích cực lại không được đề cập đến.

Sự thực dụng của HLV Troussier

Thế nhưng, sau trận đấu đầu tiên của đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2023, tình thế bây giờ đã thay đổi. Màn trình diễn ấn tượng của thầy trò HLV Troussier trước một đối thủ mạnh như Nhật Bản đã nhận được nhiều cái nhìn thiện cảm hơn từ người hâm mộ.

Đối phó với một đội bóng trình độ hàng đầu thế giới, Việt Nam không chỉ ra sân với ý chí mạnh mẽ mà còn gây bất ngờ cho đối thủ và nhiều lần khiến họ choáng váng bởi sự gắn kết và ý đồ chiến thuật.

Như đã đề cập, HLV Troussier không dại gì mà cố áp đặt hay tấn công trước những đối thủ mạnh. Chiến lược gia người Pháp chọn chiến thuật phòng ngự dựa vào việc cầm bóng nhiều.

Takefuso Kubo, ngôi sao Nhật Bản chia sẻ sau trận đấu: “Thành thực mà nói, HLV Troussier đã làm được điều mà chúng tôi luôn hướng tới. Trong hiệp một, chúng tôi cố gắng làm đối thủ khó chịu với việc làm chủ thế trận khi dẫn trước. 

Nhưng Việt Nam rất giỏi ở bước một, nhờ đó họ dễ dàng chống lại được áp lực từ Nhật Bản.

Tôi rất muốn biết họ tập luyện kiểu gì. Tôi nghĩ họ là đội có khả năng kiểm soát bóng tốt nhất châu Á. Đây là một đội bóng đoàn kết. Chúng tôi biết họ sẽ mang đến thứ bóng đá đẹp mắt, đặc biệt là những tình huống phản công.”

Takefuso Kubo vs Việt Nam
Takefuso Kubo thừa nhận bị bất ngờ trước lối đá của Việt Nam.

Để dễ hình dung hơn hàng thủ của Việt Nam dưới thời Troussier, hãy nhìn vào đội tuyển của HLV Park Hang-seo ở trận Tứ kết Asian Cup 2019 với Nhật Bản.

Trong cuộc chạm trán cách đây 4 năm, Nhật Bản kiểm soát bóng lên đến 68%, thực hiện 709 đường chuyền với tỷ lệ chính xác 86%. Ngược lại, Việt Nam chỉ có 32% tỷ lệ cầm bóng, tung ra 327 đường chuyền với tỷ lệ chính xác 70%, tức chỉ có hơn 200 đường chuyền trúng đích.

Đây là tình huống thường gặp của đội tuyển chúng ta mỗi khi đối đầu với những đối thủ mạnh hơn và giỏi kiểm soát. Hai cuộc chạm trán khác giữa Việt Nam và Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022 cũng chứng kiến những thông số tương tự.

Quay lại hiện tại, ở trận đấu vừa qua, Việt Nam dưới sự chỉ đạo của HLV Troussier cầm bóng lên đến 42%, thực hiện chính xác 81% trên tổng 533 đường chuyền, tức hơn 400 đường chuyền trúng đích.

Ngoài ra, có một thông số khá thú vị là trong cuộc chạm trán vào năm 2019, Việt Nam thiên về phòng ngự của ông Park đã tung ra nhiều cú sút hơn Nhật Bản. Trong khi ở trận đấu vừa qua, “Những chiến binh sao vàng” chỉ có 6 cú sút, bằng 1.3 so với Samurai xanh.

Chờ đợi vào những sự đổi mới

Việc HLV Troussier sử dụng người trong trận đấu với đội tuyển Nhật Bản cho thấy ông là người vừa kiên định vừa sáng tạo. Ông thầy người Pháp luôn đặt trọn niềm tin vào những lựa chọn của mình bất chấp những tranh cãi. Điển hình nhất là xếp Phan Tuấn Tài ở vị trí trung vệ.

Trước trận đấu, không ít chuyên gia tin rằng Tuấn Tài sẽ là một “canh bạc” của HLV Troussier. Sự thành công hay thất bại của chiến lược gia này đều có thể xuất phát từ cầu thủ đang thi đấu cho Viettel này. 

Vốn không phải là trung vệ cũng như không mạnh trong tranh chấp, Tuấn Tài vẫn có một trận đấu chấp nhận được. Bên cạnh khả năng giúp Việt Nam cầm bóng mượt hơn, cầu thủ của Viettel này cũng không quá “thiệt thòi” so với các trung vệ thực thụ như Bùi Hoàng Việt Anh hay Nguyễn Thanh Bình trong khả năng tắc bóng hay bọc lót.

Phan Tuấn Tài vs Nhật Bản
Phan Tuấn Tài là 'canh bạc' của HLV Troussier.

Ngoài Tuấn Tài, hậu vệ trái Minh Trọng và cặp tiền vệ trung tâm Thái Sơn - Tuấn Anh cũng đều thể hiện khá tốt.

Ngoài ra, khả năng ứng phó và linh động trong từng tình huống cụ thể của HLV Troussier cũng được đánh giá rất cao, đặc biệt là trường hợp của Đỗ Hùng Dũng.

Tiền vệ kỳ cựu của Việt Nam được kéo lùi sau một cách đầy bất ngờ, làm thay đổi cấu trúc của Việt Nam và càng khẳng định sự thực dụng của HLV Troussier.

Với sự góp mặt của Hùng Dũng, Việt Nam gần như chuyển sang sơ đồ 3-5-2 thay vì sơ đồ 3-4-3 tưởng chừng như mặc định dưới thời vị thuyền trưởng 68 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc hàng tiền vệ sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn giúp cải thiện khả năng di chuyển và vận hành.

Thống kê cho thấy chính Hùng Dũng chính là cầu thủ có nhiều tình huống thắng tranh chấp tay đôi nhất trận đấu hôm ấy (10/14). 

Ngoài Hùng Dũng, việc sử dụng Đình Bắc cũng có thể xem là bất ngờ. Và tài năng 19 tuổi này đã tỏa sáng rực rỡ đáp lại kỳ vọng của HLV Troussier. Theo SofaScore, hai cầu thủ có điểm số cao nhất Việt Nam là Hùng Dũng và Đình Bắc với 7,3 điểm.

Đỗ Hùng Dũng vs Nhật Bản
Đỗ Hùng Dũng có màn trình diễn xuất sắc trước Nhật Bản.

Một tín hiệu tốt hơn đang chờ phía trước là việc HLV Troussier vẫn chưa tận dụng hết những cái tên có thể tạo ra đột biến, bao gồm Nguyễn Hải Long, Hồ Tấn Tài, Vũ Văn Thanh và đặc biệt là Nguyễn Quang Hải.

Dù đang trải qua giai đoạn khó khăn trong sự nghiệp, Quang Hải đến nay vẫn là “viên ngọc ngàn năm có một” của bóng đá Việt Nam. Vì vậy, HLV Troussier đem Hải “con” đến Qatar chắc chắn là có lý do.

Cần nhớ rằng nếu Việt Nam chỉ cố gắng hạn chế nhận bàn thua trong trận đấu với Nhật Bản, thì cuộc đụng độ với Indonesia và Iraq sẽ là hai trận chiến rất quan trọng đối với cơ hội đi tiếp của đội tuyển chúng ta.

Giữ đôi chân trên mặt đất

Dù thua Iraq trong trận đấu đầu tiên, Indonesia phần nào đã chứng minh được khả năng của mình. Hơn nữa, đối thủ chung khu vực Đông Nam Á nay luôn tỏ ra rất “hung hăng” mỗi khi chạm trán Việt Nam.

Vì thế, chúng ta cần phải nhìn vào thực tế rằng nếu để thua Indonesia, Việt Nam chắc chắn sẽ sớm phải dừng bước ngay khi vòng bảng khép lại; cũng như mọi công sức, cố gắng trước Nhật Bản đều sẽ bị đổ sông đổ biển.

Chiến thắng hoặc ít nhất là một trận hòa sẽ là kết quả khả quan nhất với Việt Nam trong trận đấu lúc 21h30 đêm nay trên SVĐ Abdullah Bin Khalifa. Thế nên, việc giữ được cái đầu lạnh và đôi chân trên mặt đất là điều hết sức quan trọng.

Việt Nam vs Indonesia
Chiến thắng trước Indo sẽ giúp Việt Nam tạo ra lợi thế rất lớn nếu muốn vượt qua vòng bảng.

Nhờ vào thể thức của Asian Cup, chỉ số phụ cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp các đội cầm lấy tấm vé vượt qua vòng bảng. Bên cạnh 2 bàn thắng vào lưới Nhật Bản, Việt Nam cho đến nay vẫn chưa phải nhận bất kỳ tấm thẻ phạt nào, và đây có thể là một điểm tựa giúp chúng ta hướng về phía trước.

Indonesia chưa bao giờ là đối thủ “dễ nhai” với Việt Nam. Điều đáng mong chờ lúc này là HLV Troussier sẽ hóa giải đối thủ này như thế nào.

Kiểm soát lối chơi là nền tảng nhưng việc chiến lược gia người Pháp chọn áp đặt tấn công hay phòng thủ sẽ là vấn đề quan trọng hơn. Lợi thế của Việt Nam sẽ là sự vượt trội về trình độ và vị thế, trong khi Indonesia sẽ chịu nhiều áp lực phải thắng hơn.

Và với những “miếng đánh dấu trong tay áo”, nếu tận dụng tốt, Việt Nam sẽ có thể hiên ngang vượt qua vòng bảng năm nay.

heartlike
0 người khác thích nội dung này.
comment 0 bình luận
Thích Thích
  • Thả tim Thả tim
  • Giận dữ Giận dữ
  • Cười khóc Cười khóc
  • Ngạc nhiên Ngạc nhiên
  • Khóc Khóc
  • Yêu Yêu
Jason Todd