Các cầu thủ Hồi giáo 'sống sót' qua tháng nhịn ăn Ramadan như thế nào?
Đã bao giờ bạn tưởng tượng mình trở thành một HLV và dẫn dắt các cầu thủ Hồi giáo chưa? Bạn có biết các cầu thủ Hồi giáo luôn dành hẳn một tháng để nhịn ăn không? Họ gọi đó là tháng Ramadan.
Tháng Ramadan là tháng thứ 9 trong lịch Hồi giáo và được biết đến là tháng linh thiên nhất của các tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới.
Tháng Ramadan không có ngày cụ thể, được xác định bởi mặt trăng, kéo dài 29 hoặc 30 ngày, thường sẽ diễn ra sớm hơn 11 ngày mỗi năm.
Trong vòng một tháng lễ, các tín đồ đã đến tuổi dậy thì sẽ phải nhịn ăn, uống, hút thuốc và một số điều cấm kỵ (kể cả sinh hoạt tình dục). Thời gian thực hiện từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.
Việc ăn chay không bắt buộc đối với những người già, trẻ em, người bị bệnh hoặc mang thai. Bất cứ ai không thể nhịn ăn trong ngày có thể bù lại sau đó hoặc quyên góp tiền cho người nghèo.
Một câu hỏi được đặt ra, tháng Ramadan ảnh hưởng như thế nào đến chế độ dinh dưỡng và quá trình tập luyện của các cầu thủ Hồi giáo? Họ sẽ có cách thích nghi ra sao? Dưới đây là những thông tin quan trọng mà bạn cần phải biết.
Chế độ dinh dưỡng
Thường các cầu thủ chuyên nghiệp sẽ tuân theo một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt từ ban huấn luyện để duy trì và phát triển hơn về mặt thể chất.
Đối với các cầu thủ theo đạo Hồi, các chuyên gia sẽ có những phương pháp ăn ngủ hợp lý nhằm giúp cơ thể họ thích nghi với giai đoạn này, đồng thời hạn chế việc thiếu hụt dinh dưỡng.
Thông thường, các cầu thủ này sẽ dùng bữa đầu tiên vào lúc mặt trời vừa lặn (gọi là Iftar), bữa phụ trước khi đi ngủ và bữa cuối trước khi bình minh lên (Suhoor).
Ngoài việc ăn uống, giấc ngủ cũng cần phải thực hiện khoa học để tối ưu hóa quá trình hồi phục cơ bắp và thể lực.
Từng cầu thủ Hồi giáo sẽ được lên lịch ngủ trưa phù hợp, một giấc ngủ trưa không được quá 30 phút.
Bên cạnh đó, vì phải nhịn ăn nên các cầu thủ sẽ tăng cường bù nước bằng nhiều cách như ngâm mình trong bồn nước, dùng khăn lạnh hay uống nước điện giải trước khi bình minh lên.
Chế độ luyện tập
Các phương pháp ăn uống kể trên chỉ giúp các cầu thủ hạn chế việc thiếu hụt dinh dưỡng, do đó, việc giảm sút thể lực chắc chắn vẫn sẽ diễn ra.
Để giải quyết vấn đề, các chuyên gia thể lực đã lên một lịch trình riêng biệt cho các cầu thủ này. Cụ thể, họ sẽ tập luyện vào buổi tối, tức là sau khi dùng xong bữa Iftar.
Quá trình thi đấu
Nhiều cầu thủ Hồi giáo được phép không tuân thủ tháng Ramadan để chuẩn bị thể lực tốt nhất cho các trận đấu quan trọng.
BTC Premier League cũng tạo điều kiện hết mình bằng cách ra quy chế “tiếp năng lượng”. Theo đó, các cầu thủ Hồi giáo được phép sử dụng chất lỏng dinh dưỡng, các tuýp gels năng lượng khi đang diễn ra tình huống bóng chết.
- Thả tim
- Giận dữ
- Cười khóc
- Ngạc nhiên
- Khóc
- Yêu