Florian Wirtz và Jamal Musiala: Bảo chứng cho ĐT Đức hùng mạnh!
Về cơ bản, có 2 cách để mở màn 1 giải đấu lớn thật bùng nổ. Đầu tiên là “1 cơn địa chấn” giống khi Cameroon đánh bại Argentina vào 1990, hay khi Senegal hạ gục Pháp sau đó 12 năm.
Cách còn lại là đội chủ nhà sẽ khai màn “ngày hội bóng đá” bằng chiến thắng tưng bừng, với 1 khoảnh khắc quan trọng như Tshabalala cho Nam Phi vào 2010, hay Philipp Lahm năm 2006.
Sau đúng 10 năm kể từ chức vô địch World Cup 2014, đây có lẽ là ĐT Đức mà CĐV muốn thấy nhất - 1 tập thể đủ sức vươn lên tầm cao mới trong thời gian dài sắp tới.
2 bàn thắng đầu tiên của Wirtz - cầu thủ xuất sắc nhất Bundesliga, cùng Musiala - cầu thủ xuất sắc nhất trận chính là minh chứng rõ ràng nhất. Đây đồng thời là lần đầu tiên có 2 cầu thủ dưới 21 tuổi ghi bàn cho cùng 1 đội trong 1 trận đấu VCK Euro.
Nếu là 1 mẫu HLV cổ điển, họ có thể thích 1 tiền đạo đúng nghĩa như Fullkrug, 1 chân chạy cánh tốc độ như Sane và 1 người đảm bảo hiệu suất đầu ra như Muller. Nhưng Julian Nagelsmann không phải mẫu người như vậy.
Ở tuổi 36 - độ tuổi còn nhỏ hơn nhiều cầu thủ dự giải, Nagelsmann quyết định đặt niềm tin vào Wirtz, Musiala cùng Havertz. Cả 3 ngôi sao đều thích lùi xuống và di chuyển rộng, có thể vô tình khiến cấu trúc đội hình “ùn tắc”.
Dù vậy, mọi thứ lại diễn ra theo cách không thể suôn sẻ hơn. Các cầu thủ di chuyển mạch lạc và thay nhau khoét vào khoảng trống phía sau hàng hậu vệ Scotland. Và Đức chỉ cần hiệp 1 để “chốt sổ” trận đấu, khi 3 cái tên trên hàng công đều ghi bàn.
Thay vì cố gắng xâm chiếm vòng cấm, các cầu thủ tấn công của Đức rất giỏi trong việc tìm kiếm khoảng trống khu vực 16m50. Và 2 bàn thắng của Wirtz và Musiala là minh chứng rõ ràng nhất.
Bàn thắng thứ 3 của Đức cũng thú vị không kém. Tất nhiên không phải cú sút phạt đền thành công của Havertz, mà hãy cùng nhìn lại tình huống dàn xếp trước đó.
Khi ấy, Musiala là người nhận bóng ở phần giữa sân và lệch về phía cánh trái - trùng khu vực với Wirtz. Tình huống này đã cho người xem có cái nhìn bao quát về sự tự do của ĐT Đức - cho phép các cầu thủ thoải mái di chuyển và phối hợp ở không gian hẹp.
Dù cho Musiala và Havertz từng cùng nhau thi đấu ở các giải đấu lớn trước, đây dường như là 1 ĐT Đức hoàn toàn mới, với công rất lớn ban đầu thuộc về Nagelsmann.
Đúng là Scotland có phần thất thế hơn hẳn, nhưng nên nhớ Đức cũng có thừa lựa chọn thay đổi nếu lâm vào thế trận bế tắc. Khác nhiều đội bóng, các cái tên trên băng ghế dự bị là những sự thay thế chiến thuật thật sự cho Nagelsmann.
Nếu Fullkrug là mối đe dọa thật sự trong vòng cấm, Sane thi đấu còn rộng hơn bộ 3 xuất phát, thì Muller vẫn giỏi “ẩn thân chi thuật” và xuất hiện ở các khoảng trống khó kiểm soát.
Nagelsmann rõ ràng đã cho thấy tham vọng của mình. Không những phải thắng mà còn phải thuyết phục để nâng tầm giải đấu.
22 đội còn lại chắc chắn đã theo dõi màn trình diễn của Đức và có thể cảm thấy e ngại. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để các đội tuyển tự tin hơn khi biết vẫn có thể chiến thắng nếu đủ linh hoạt và thích nghi tốt.
Đây mới chỉ là khởi đầu, và 1 mùa hè hấp dẫn cùng bóng đá đang chờ đón chúng ta ở phía trước.
- Thả tim
- Giận dữ
- Cười khóc
- Ngạc nhiên
- Khóc
- Yêu