Hãy quên tất cả đi, Euro 2024 giờ mới thật sự bắt đầu!
HLV vĩ đại người Scotland, Jock Stein từng nói về những thách thức ở các giải đấu cấp ĐTQG:
“Để được tận hưởng không khí của vòng chung kết, bạn phải chiến đấu và bỏ rất nhiều công sức trong những cuộc đối đầu trước đó.”
Nhưng bình luận của Stein đã có từ thời mà các giải đấu còn là “bữa tiệc độc quyền” chứ không phải là “các cuộc vui” kéo dài cả tháng như ngày nay, khi VCK Euro chỉ có 8 đội thay vì 24 đội.
Vòng loại khi ấy thường là những cuộc chiến thật sự, với những hành trình khắc nghiệt. Vài lần từ 1970 - 1980, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và các nước nước khác đã không thể góp mặt ở giải đấu chính thức.
Vì vậy, nhận xét đó hoàn toàn chuẩn xác, nhưng nó không còn phù hợp nữa.
Đối với các ông lớn châu Âu, vòng loại ngày nay thường ít vất vả và mang tính hình thức hơn. Vòng bảng cũng tương tự, khi chỉ có 8/24 đội không thể điền tên vào vòng 16 đội tại Euro 2024.
Nó đã tạo ra nhiều đổi thay. Bạn không cần phải tạo dấu ấn hay bung hết sức ngay từ đầu. Vòng bảng giờ đây cứ như giai đoạn chuẩn bị và tạo đà giúp các đội sẵn sàng cho các “trận đánh lớn” ở giai đoạn sau của giải đấu.
Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn khi chúng ta trải qua 36/51 trận tại Euro 2024 - nơi niềm vui từ việc được xem 2 hay 3 trận đấu/ngày nhường chỗ cho cho những ngày nghỉ buồn chán.
Nhưng đây lại là lúc kịch tích, áp lực được đẩy lên mức cao nhất - nơi 1 sai lầm hay chút yếu kém về tâm lý ở loạt sút phạt đền có thể quyết định tất cả.
“Đó chỉ là 1 trận đấu vòng bảng thôi mà,” Bernardo Silva của Bồ Đào Nha nói với The Athletic sau trận thua bất ngờ trước Georgia. “Theo tôi, không chỉ với tư cách là cầu thủ mà còn là người hâm mộ, những gì xảy ra ở vòng bảng không có ý nghĩa gì hết.
Đôi khi, các đội chơi tốt ở vòng bảng không phải là đội vô địch. Bạn cần phải ổn định ở cả vòng knock-out nữa, cùng 1 chút may mắn.”
Ở vòng 16 đội Euro 2024, chỉ có Tây Ban Nha là đội toàn thắng cho đến nay, ở bảng đấu “tử thần” với sự góp mặt của Croatia, Ý và Albania. Họ cũng là đội duy nhất chưa để thủng lưới bàn nào. Nhưng không đồng nghĩa họ sẽ là đội vô địch.
Sự khởi đầu mạnh mẽ của Tây Ban Nha khiến nhiều người nhớ về những thành công của họ tại Euro 2008 - bước đầu cho việc thống trị thế giới với 2 chức vô địch Euro và 1 World Cup liên tiếp.
Nhưng HLV De la Fuente lập tức lên tiếng cảnh tỉnh toàn đội: “Chúng tôi biết sẽ rất khó khăn khi đây là 16 đội mạnh nhất. Cả đội vẫn đang thận trọng. Tất cả đều biết mọi thứ diễn ra như nào ở Tây Ban Nha: hôm nay họ có thể ‘đưa bạn lên mây’, và ‘vứt bạn xuống vực thẳm’ vào ngày mai.”
Và điều đó có thể cũng diễn ra ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Nên nhớ Croatia và Hà Lan cũng từng thắng cả 3 trận vòng bảng Euro 2008, và rồi đều phải về nhà ngay ở vòng đấu loại trực tiếp đầu tiên.
Trong khi tại World Cup 1982, dù toàn hòa 3 trận đầu tiên (gặp Ba Lan, Peru và Cameroon), ĐT Ý vẫn đánh bại Argentina cùng Brazil ở các trận đấu loại trực tiếp, trước khi quật ngã Ba Lan ở bán kết, và sau đó là Tây Đức để nâng cao chiếc cúp vô địch.
Hay gần nhất là trường hợp của Bồ Đào Nha ở Euro 2016. Vượt qua vòng bảng với vị trí thứ 3 sau 3 trận hòa trước Iceland, Áo và Hungary, Ronaldo cùng các đồng đội lần lượt hạ gục Croatia, Ba Lan, Wales, trước khi bất ngờ đánh bại Pháp ngay tại Stade de France để lên đỉnh châu Âu.
Thế nên cần gì phải quan tâm đến vòng bảng một khi đã góp mặt ở vòng knock-out chứ?
Tất cả những điều này không có nghĩa là Anh, Pháp, Ý, Bỉ hay Hà Lan chắc chắn sẽ “lật mặt” sau khởi đầu không mấy thuyết phục ở Euro 2024, nhưng ít nhất nó cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề “khởi đầu chậm từ đầu”.
“Không phải lúc nào bạn cũng có thể đánh giá đúng 1 đội chỉ từ vòng bảng,” Deschamps nói sau khi ĐT Pháp đánh mất vị trí nhất bảng D vào tay ĐT Áo.
“Giải đấu hoàn toàn mới sẽ bắt đầu với chúng tôi vào ngày 01/07 (thời điểm Pháp bắt đầu vòng 16 đội). Mọi chuyện khi ấy sẽ hoàn toàn khác đấy.”
Với vị trí nhì bảng, Pháp sẽ chạm trán với Bỉ ở vòng 16 đội. Nếu đi tiếp, họ nhiều khả năng phải chạm trán Bồ Đào Nha tại tứ kết, rồi đến Đức hoặc Tây Ban Nha ở bán kết. Điều tương tự cũng diễn ra với ĐT Bỉ khi bất ngờ để Romania giành lấy vị trí nhất bảng E.
ĐT Anh rõ ràng cần thay đổi, ngay cả khi Southgate cảm thấy “những lùm xùm” xung quanh màn trình diễn của họ đã bị thổi phồng quá mức.
Bên kia chiến tuyến, Ronald Koeman tỏ ra gay gắt hơn nhiều khi gọi thất bại 2-3 của họ trước ĐT Áo là “thảm họa”. “Nếu muốn làm được gì đó ở Euro 2024, chúng tôi phải lập tức thay đổi,” chiến lược gia 61 tuổi nói.
Đôi khi 1 giai đoạn vòng bảng tệ có thể khiến bạn phải thay đổi chiến thuật và trọng tâm của toàn đội. Đôi khi nó có thể giúp rèn giữa tinh thần trước những thử thách khốc liệt trước mắt.
Tất nhiên, đôi khi, nó cũng khiến các mâu thuẫn và cảm giác bất ổn trong nội bộ bị “khuếch đại” lên nhiều lần.
Khi suy nghĩ lại, Jock Stein có lẽ sẽ chấp nhận bản thân đã lỗi thời.
Tất cả đều muốn đạt phong độ cao nhất khi xuất hiện ở những sân khấu lớn, nhưng khả năng giúp một đội bóng vượt qua các thử thách thách khó khăn nhất, khi có nhiều rủi ro và bầu không khí trở nên căng thẳng mới là điều quan trọng nhất.
Thế nên hãy quên tất cả, Euro 2024 giờ đây mới thật sự bắt đầu!
- Thả tim
- Giận dữ
- Cười khóc
- Ngạc nhiên
- Khóc
- Yêu