Lukaku hiện nguyên hình trước 'kính chiếu yêu'!
ĐT Bỉ đã có màn ra mắt Euro 2024 không thể tồi tệ hơn với thảm họa mang tên Lukaku.
Trong khi Lukaku liên tục phung phí cơ hội, sai lầm của Doku đã tạo điều kiện để Schranz mở tỷ số cho Slovakia ở phút thứ 7. Và dù thời gian còn lại là rất nhiều, các nỗ lực của thầy trò Tedesco cũng không thể giúp họ níu lại ít nhất 1 điểm.
Đáng chú ý, Lukaku không chỉ 1 mà có đến 2 lần bị VAR từ chối bàn thắng. Đầu tiên là pha lập công ở phút 57, công nghệ bắt việt vị bán tự động đã xác định tiền đạo 31 tuổi rơi vào thế việt vị sau pha đánh đầu của Onana.
Đến phút 88, Lukaku lần nữa bị từ chối bàn thắng. Lần này công nghệ cảm biến chuyển động của quả bóng đã phát huy tối đa tác dụng, khi xác định Openda để bóng chạm tay sau nỗ lực tranh chấp với Denis Vavro.
Trái với công nghệ bắt việt vị bán tự động, đây là lần đầu tiên cảm biến chuyển động xuất hiện ở Euro 2024. Ngược lại 2 năm trước ở World Cup tại Qatar, chính công nghệ này đã xác định Ronaldo chưa hề chạm bóng trong bàn mở tỷ số của Bruno vào lưới Uruguay.
Dù chính xác là vậy, việc sử dụng quá nhiều công nghệ của trọng tài Umut Meler đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Cựu ngôi sao Ngoại hạng Anh Chris Sutton gọi quyết định từ chối bàn thắng thứ 2 của Lukaku là “tai tiếng”.
“Thật nực cười, thật sự có chuyện như này ư?” anh nói với BBC Sport. “Openda không cố ý đẩy bóng trong lúc tranh chấp. Quyết định đó khó nói quá. Nếu ở Ngoại hạng Anh, mọi thứ có lẽ đã khác.”
Trái lại, cựu trọng tài Christina Unkel lại đồng ý với quyết định của VAR, cũng như tin rằng cách giải thích chi tiết đã được áp dụng rất hiệu quả.
Cô liên tục nhấn mạnh cánh tay của Openda đã mở rộng “gần hoặc cao hơn vai” nên đó là quyết định chuẩn xác.
“Việc giải thích liệu cầu thủ có chủ ý phạm lỗi hay không đã thay đổi gần đây, Tuy nhiên, đây vẫn tính là hành vi cố ý vì cánh tay của Openda đã ở gần hoặc cao hơn vai,” cô nói.
“Mặc dù cậu ấy đang chạy với tốc độ cao, nhưng vì cánh tay được mở rộng nên cú chạm ấy vô tình giúp cậu ấy kiểm soát được bóng.
Và tất nhiên tác động đó được xem là không tự nhiên theo cách giải thích của trọng tài, cũng như hướng dẫn không chỉ từ UEFA mà còn IFAB nữa.”
Khi được hỏi liệu quyết định này có quá khắt khé không, cô nói tiếp: “Tôi nghĩ đó là quyết định gây nhiều tranh cãi, nhưng nó cần được khuyến khích.”
Nhìn chung, việc áp dụng công nghệ đã giúp ích cho trọng tài rất nhiều. Trong 1 trận cầu căng thẳng và quan trọng, trọng tài sẽ mắc ít sai sót hơn và không gây ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả.
- Thả tim
- Giận dữ
- Cười khóc
- Ngạc nhiên
- Khóc
- Yêu